Trần Trung Đạo Và Khát Vọng Dân Chủ Việt Nam

Qua Tuyển Tập Chính Luận ‘Bánh Mì Ai Cập, Cá Việt Nam, Khát Vọng Con Người’
Ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản có nhiều điều nghịch lý đến quái gở! Thứ gì nhà nước CSVN cũng rêu rao là dân làm chủ. Họ đem dân ghép vào thành đủ thứ tên -- chính quyền nhân dân, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, tòa án nhân dân, thậm chí đã từng đặt tên “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,” v.v... Nhưng ngân hàng thì không phải của dân mà là của nhà nước, nên có tên ngân hàng nhà nước, chứ không phải ngân hàng nhân dân. Tuy nhiên, hễ có người dân nào đứng lên đòi dân chủ thì bị bắt, bị giam tù ngay tức khắc!
Chắc chắn, ngày nay, người dân Việt Nam đều ý thức rằng dân chủ thực sự, chứ không phải thứ dân chủ trên giấy tờ mị dân, là nhu cầu không thể thiếu để cho đất nước phát triển vươn lên cùng nhân loại văn minh tiến bộ, để cho cuộc sống của toàn dân được tự do, hạnh phúc. Dân chủ cũng là yếu tố then chốt để giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trước nạn xâm lăng từ phương Bắc.
Nhưng từ ý thức đó cưu mang thành thao thức, trăn trở và khát vọng để không ngừng nghiên cứu, quan sát, tìm tòi kinh nghiệm đấu tranh dân chủ của nhiều dân tộc trên thế giới. Và rồi rút tỉa những bài học đắt giá đó cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho quê hương và dân tộc Việt Nam thì quả thật là hiếm có người làm.
Trong số ít ỏi đó, có nhà thơ, nhà văn Trần Trung Đạo, tác giả tuyển tập chính luận “Bánh Mì Ai Cập, Cá Việt Nam, Khát Vọng Con Người,” vừa được phát hành, đã làm được điều đó một cách tận tuỵ và bền bỉ từ hàng chục năm nay.
Tuyển tập chính luận “Bánh Mì Ai Cập, Cá Việt Nam, Khát Vọng Con Người” gồm 75 khảo luận chính trị, dày hơn 600 trang, do Cổ Loa xuất bản và được công ty Amazon phát hành toàn cầu vào cuối tháng 6 năm 2017. Nội dung tuyển tập chính luận này gồm 4 phần chính: Kinh nghiệm thế giới, Lý luận chính trị, Tình tự dân tộc, và Tình người.
Toàn bộ cuốn sách nói lên một sự thật không thể chối cãi rằng dân chủ là khát vọng của tất cả con người trên mặt đất mà trong đó có người dân Việt Nam. Tác giả Trần Trung Đạo đã dày công nghiên cứu những thảm họa của nhiều dân tộc vì mất dân chủ vào tay các chế độ độc tài, như Trung Cộng, Việt Cộng, Cuba, Bắc Hàn, v.v... Đồng thời tác giả cũng đưa ra nhiều thành tựu và phát triển ngoạn mục của nhiều quốc gia chuyển hóa từ chế độ độc tài lạc hậu, nghèo đói sang thể chế dân chủ phát triển giàu mạnh, như Latvia, Estonia, Mông Cổ, Lithuania, và gần đây nhất là Miến Điện.
Cuốn sách cũng cho thấy mối tương quan tương duyên chặt chẽ giữa thể chế dân chủ và việc xây dựng nội lực đoàn kết của dân tộc để chống lại thế lực ngoại xâm cướp đất, cướp biển từ Tàu Cộng phương Bắc.
Phản biện những lối lý luận phản khoa học, phản dân chủ của các chế độ độc tài khi nói rằng dân chủ là sản phẩm của các nước phương Tây, tác giả Trần Trung Đạo khẳng định rằng dân chủ chính là khát vọng của con người, bởi vì có dân chủ mới có tự do, hạnh phúc, và no cơm ấm áo. Không có dân chủ sẽ mất hết tất cả!
“Dù tiến trình thay đổi có thể khác nhau nhiều ít tại mỗi quốc gia, dân chủ vẫn là khát vọng chung của con người dù sống ở đâu trên mặt đất này.” (Bánh Mì Ai Cập, Cá Việt Nam, Khát Vọng Con Người, trang 431)
Một đất nước không có dân chủ thì người dân bị biến thành nô lệ cho cơ chế cầm quyền. Không có dân chủ có nghĩa là người dân mất sạch các quyền tự do căn bản mà vốn dĩ là của dân như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do tôn giáo, tự do ứng cử và bầu cử, tự do tham gia làm chính trị điều hành việc nước. Một đất nước không có dân chủ thì chính quyền muốn làm gì thì làm. Từ đó đẻ ra quốc nạn tham nhũng, bè phái, cường hào ác bá hà hiếp dân lành. Không có dân chủ thì người dân bị ép buộc và kiểm soát để nói và làm theo ông chủ là đảng cầm quyền. Cho nên đất nước mất hết mọi quyền khai phóng và sáng tạo vốn là nguồn mạch cho sự phát triển tài năng, tiềm năng của từng cá nhân để làm cho dân giàu nước mạnh.
Đối với những người còn nghi ngờ về sự thành công chắc nịch của tiến trình dân chủ hóa, tác giả Trần Trung Đạo nêu ra vài trường hợp điển hình: “Sierra Leone, Ghana, Ivory Coast ở châu Phi là những bằng chứng hùng hồn. Những quốc gia này trước đây không lâu đồng nghĩa với chiến tranh, lạc hậu, tủi nhục, đói nghèo ngày nay là những quốc gia dân chủ điển hình đầy kiêu hãnh của Phi châu.”(tr. 431)
Tác giả Trần Trung Đạo không thích đưa ra những lý thuyết cao xa của nền dân chủ có tính kinh viện hay lý luận thuần lý của các chính khách salon. Trần Trung Đạo cho người đọc thấy bộ mặt giản dị và cụ thể của dân chủ, đó là những ổ bánh mì của dân Ai Cập và những con cá của dân Việt Nam.
“Dân chủ với đại đa số người dân đơn giản hơn nhiều. Dân chủ là những gì có thể cầm được, sờ mó được hay thậm chí ăn được.”(tr. 427)
Rồi tác giả kể trường hợp người dân Ai Cập đấu tranh dân chủ là để có bánh mì mà ăn, bởi vì chế độ độc tài quân phiệt của tướng Hosni Mubarak đã bóp chết nền dân chủ và đưa đất nước Ai Cập đến chỗ nghèo nàn kiệt quệ.
“Tháng Giêng 2011, nếu bạn đến Tahrir Square, ở Ai Cập, và hỏi một người dân Ai Cập đang biểu tình chống độc tài Hosni Mubarak trong Mùa Xuân Arab (Arab Spring Uprisings) dân chủ là gì, anh ta sẽ chỉ ổ bánh mì anh đang kẹp quanh đầu. Dân chủ, với anh, đơn giản là ổ bánh mì.”(tr. 428)
Tác giả Trần Trung Đạo giải thích thêm, “Trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Á Rập, nhiều người dân Ả Rập kẹp trên đầu những ổ bánh mì, biểu tượng cho mục đích đấu tranh của họ. Khẩu hiệu đấu tranh “lật đổ chế độ độc tài Hosni Mubarak” trong thời điểm này đồng nghĩa với “nhân dân Ai Cập cần bánh mì.”(tr. 428)
Người dân Ai Cập “cần bánh mì,” còn người dân Việt Nam thì “cần cá.” Đó là khẩu hiệu đấu tranh của người dân Việt Nam trong tai họa ô nhiễm nước sông, nước biển và môi trường do nhà máy Formosa thải chất độc hại xuống biển Hà Tĩnh vào tháng 4 năm 2016.
“Tương tự như người dân Ai Cập hay Yemen, nếu hôm nay, bạn ra Hà Tĩnh và hỏi ngư dân dân chủ là gì, người viết tin rằng những ngư dân đang chịu đựng khó khan sẽ chỉ vào bãi cá chết dọc bờ.”(tr. 429)
Đừng tưởng bánh mì và cá xa lạ với dân chủ. Không đâu! Chúng không những có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ với nhau, mà còn hỗ tương khắn khít nhau một cách toàn diện.
Các chế độ độc tài nắm quyền cai trị đất nước một cách chuyên chế để vừa bảo vệ vững chắt địa vị độc tôn lãnh đạo của họ, vừa thao túng và chiếm đoạt và chia chác mọi nguồn lợi kinh tế và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia cho đảng phái, phe nhóm và cá nhân quan chức. Các chế độ độc tài, vì vậy, không hề biết nghĩ cho hạnh phúc ấm no của người dân. Họ sẵn sàng bòn rút sạch của công và của dân đổ vào túi tư hữu không có đáy của mình. Họ bất chấp cuộc sống nghèo cùng, khổ cực và bị áp bức của người dân thấp cổ bé miệng. Dân không có bánh mì, không có cá để ăn, thì mặc dân!
Nhưng khi người dân đã bị chế độ độc tài đẩy tới ngõ cụt của đói khổ cùng cực thì người dân sẽ không còn con đường nào khác ngoài việc tranh đấu để sống còn, mà dân chủ là mục đích chọn lựa duy nhất. Cho nên độc tài dẫn tới nghèo đói, và ngược lại, nghèo đói dẫn tới đấu tranh dân chủ.
Với đối sách cho hiện trạng của đất nước Việt Nam ngày nay, Trần Trung Đạo nêu ra hai chọn lựa: “(1) Phê bình nhưng bảo vệ đảng CS bởi vì dù sao đi nữa, đảng CS vẫn còn có thể sửa đổi, vẫn còn có “tư cách lãnh đạo đất nước,” vẫn còn có khả năng đưa đất nước vượt qua những hố sâu tham nhũng, lạc lậu kinh tế, giáo dục, vẫn còn đủ sức mạnh để chống đỡ nạn Hán xâm, vẫn còn là chỗ dựa của chính họ; và (2) phát xuất từ nhận định rằng cơ chế chính trị, kinh tế, và văn hóa độc quyền cộng sản hiện nay là nguyên nhân tạo ra chậm tiến, lạc hậu của đất nước, bất lực trước nạn Hán xâm, và do đó cần phải tập trung sức mạnh dân tộc tháo gỡ bằng một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện và triệt để.”(tr. 430)
Với tác giả Trần Trung Đạo thì con đường đã sáng và rõ. Ông không do dự như người đứng trước ngả hai đường, chẳng biết đi theo hướng nào. Trần Trung Đạo đã chọn và đã đi trên con đường dân chủ từ lâu và tất nhiên cũng là một trong những người mấy chục năm qua không ngừng vận động cho công cuộc dân chủ hóa tại Việt Nam. Với Trần Trung Đạo, “Dân chủ không chỉ là tiền đề, là cơ sở để phục hưng đất nước mà còn là vũ khí để chống nạn Hán xâm. Chọn lựa thay đổi tận gốc rễ có thể sẽ gặp vài khó khăn, sẽ phải giẫm lên nhiều chông gai, nhưng đó phải là con đường thời đại và không có con đường nào khác.”(tr. 432)
Trong 4 sách lược đề nghị “Để thắng được Trung Cộng,” của tác giả Trần Trung Đạo thì hai sách lược đầu lấy dân chủ làm mấu chốt. Trong sách lược đầu tiên mà có lẽ cũng là quan trọng nhất, là “Việt Nam phải có dân chủ trước Trung Cộng,” Trần Trung Đạo viết rằng, “Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài. Trung Cộng không sợ USS George Washington hay bom nguyên tử mà sợ dân chủ và rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Vũ khí dân chủ sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ chế CS. Một Trung Cộng mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi.”(tr. 236)
Trong sách lược đề nghị thứ hai “Đoàn kết dân tộc,” Trần Trung Đạo đề xuất, “Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc.”(tr. 236)
Nhu cầu dân chủ hóa Việt Nam là rất cấp bách hiện nay. Mỗi người Việt Nam quan tâm đến tình hình và tương lai đất nước nên đọc tác phẩm “Bánh Mì Ai Cập, Cá Việt Nam, Khát Vọng Con Người” của tác giả Trần Trung Đạo. Sách đã được công ty Amazon phát hành.
Cầu mong Việt Nam sớm được tự do dân chủ.
Cảm ơn tác giả Trần Trung Đạo.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »