LẼ PHẢI
Cụ bà Dư Thị Thành năm nay suýt soát 70, đã đầu ấp tay gối với cụ Kình cả cuộc đời và có với nhau một đàn con, cháu, chắt.
Mấy chục năm trước, thời chiến tranh, bà Thành là một trong 8 nữ pháo thủ Đồng Tâm bảo vệ vùng trời Hà Nội. Thời đó, trong mắt chế độ, có lẽ bà được coi là người hùng, hay ít nhất cũng là công dân kiểu mẫu.
Nay, sau biến cố Đồng Tâm,hình ảnh đó dường như đã đảo ngược.
Ngày cụ Kình bị công an, quân đội đánh gãy chân giữa đồng và bị bắt mang đi biệt tăm tích cùng con trai và những dân làng khác, bà nén nỗi đau, vừa quán xuyến việc nhà, vừa chung tay cùng hàng ngàn dân làng Đồng Tâm tìm cách đưa những người thân yêu trở về. Nỗ lực của bà và dân làng cuối cùng đã tạo ra cuộc khủng hoảng con tin vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đương đại Việt Nam, rúng động dư luận trong nước và được cả báo chí quốc tế biết đến.
Bà Thành hẳn chẳng thể ngờ đời mình có lúc lại bị đặt vào một tình cảnh trớ trêu như vậy. Đồng Tâm và cụ Kình chồng bà bỗng trở thành những cái tên nổi tiếng, dù có thể theo cách mà bà không mong đợi.
Khi được hỏi đã có suy nghĩ gì và cảm xúc thế nào lúc biết cụ Kình bị đánh đập, bắt giải đi và có thể phải vào tù, bà Thành đáp:
“Lúc đó chẳng nghĩ được gì cả chú ơi. Tôi chỉ biết trong đầu là chồng tôi làm điều phải. Và chúng tôi cũng đang làm điều phải.”
Lịch sử của một quốc gia, và cũng có thể là của nhân loại nữa, đôi khi được nắn dòng không phải bởi các quyết định lớn lao của những lãnh tụ đầy quyền uy, mà là nhờ những người bình thường như bà Thành, trong những thời điểm thử thách nhất đời mình, đã chọn điều phải để làm.
fb Nguyen Anh Tuan